Vị “cha đẻ” của chiếc máy pha cà phê huyền thoại Mr. Coffee
Vincent Marotta Sr., “cha đẻ” của chiếc máy pha cà phê nổi tiếng Mr. Coffee, vừa mới qua đời tại tư gia của mình ở Pepper Pike, Ohio, hưởng thọ 91 tuổi.
Là một trong những chiếc máy pha cà phê tự động đầu tiên được thiết kế cho các hộ gia đình, Mr. Coffee chính thức được giới thiệu với công chúng vào năm 1972. Đứa con tinh thần này được ông Marotta, khi ấy là một nhân viên bất động sản, và đối tác của mình, Samuel Glazer, dự định dùng để thay thế cho loại máy pha cà phê đang được sử dụng khá rộng rãi nhưng lại hay gặp trục trặc vào thời điểm đó.
Vincent Marotta (trái) và Joe DiMaggio trước Mr. Coffee trong chiến dịch nổi tiếng tại triển lãm năm 1977.
Ngay lập tức, Mr. Coffee trở thành hàng “hot” trên thị trường. Theo tạp chí Forbes, tính đến năm 1979, chiếc máy này đã mang về doanh số hơn 150 triệu USD/năm cho công ty sản xuất ra nó và chiếm ít nhất 50% thị phần, bỏ xa các đối thủ khi đó là Norelco, General Electric và Proctor-Silex.
Phần lớn thành công của chiếc máy này được cho là nhờ vào mẩu quảng cáo gắn liền với tên tuổi của vận động viên bóng chày nổi tiếng Joe DiMaggio. Và chính Marotta là người đã tuyển dụng Joe DiMaggio vì bản thân ông cũng là một cựu vận động viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dù không nói ra nhưng ai cũng biết ông Marotta rất biết ơn người vợ của mình, vì nếu như ông thích cà phê của bà pha hơn thì có thể chiếc máy huyền thoại đó đã… không ra đời.
Là con trai của Calogero Marotta và Josephine Mirabella, vốn là dân nhập cư từ Ý, Vincent George Marotta được sinh vào ngày 22 tháng 2 năm 1924 — cũng là ngày sinh nhật của tổng thống Washington nên ông mới có tên lót là George. Cha ông, khi sang Mỹ được gọi là Charles, là một người buôn bán than.
Với tài năng thể thao của mình, Vincent Marotta được kí hợp đồng với đội Cardinals ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã làm gián đoạn sự nghiệp của ông. Sau khi giải ngũ, ông lấy bằng cử nhân lịch sử tại đại học Mount Union ở Alliance, Ohio.
Vào năm 1948, Marotta được cả hai đội New York Giants và Cleveland Browns mời về chơi cho họ. Tuy nhiên, ông chỉ chơi cho Cleveland Browns trong một khoảng thời gian trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh nhà đất và trung tâm mua sắm với Glazer, một người bạn từ thời trung học.
Năm 1968, sau đợt siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản Mỹ trở nên khó khăn hơn. Marotta khi ấy tự hỏi liệu mình có thể làm chuyện gì khác để sinh sống không. Thế là ông quay sang lĩnh vực cà phê, và đặc biệt chú ý tới loại máy pha cà phê đang có trên thị trường lúc đó.
So với lần đầu tiên xuất hiện ở thế kỉ 19, chiếc máy pha cà phê khi ấy chỉ thay đổi chút ít. Nó hoạt động bằng cách đẩy nước sôi hoặc gần sôi qua một chiếc giỏ kim loại được đục lỗ chứa bột cà phê. Thông qua cái tay nắm bằng pha lê trên nắp, người dùng có thể nhìn vào trong để thấy cà phê ngày càng trở nên đen hơn, và đó cũng là điều “hấp dẫn” duy nhất của chiếc máy này với những người yêu thích cà phê.
Rủi thay vào thời điểm đó không còn sự thay thế nào khác cho chiếc máy ấy ngoài cà phê uống liền. Do vậy, với Marotta, tạo ra được một bản sao về tốc độ và chất lượng của những chiếc máy pha cà phê ở các nhà hàng cho thị trường hộ gia đình trở thành một ước muốn mãnh liệt.
Thế là Marotta và Glazer thuê thêm hai cựu kĩ sư của Westinghouse, Edmund Abel và Erwin Schulze. Họ thiết kế một chiếc máy hoạt động được bằng cách chỉ cần nung nước đến 200 độ F và làm cho nước chảy xuống qua một túi lọc bằng giấy chứa đầy bột cà phê, rồi đổ vào bình chứa bằng thủy tinh được đun nóng.
Mặc dù giá bán lẻ ban đầu của Mr. Coffee khi ấy là 39,99 USD (khoảng 226 USD ngày nay) – gấp 4 lần so với chiếc máy pha cà phê đang có thời ấy – nhưng người tiêu dùng vẫn chen chân nhau mua nó. Tính đến năm 1975, công ty sản xuất ra nó là North American Systems đã bán được hơn một triệu chiếc.
Marotta là chủ tịch đồng thời là CEO của công ty từ lúc thành lập cho đến mãi năm 1987, thời điểm mà nó được bán lại cho một công ty chứng khoán với giá 82 triệu USD. Ngày nay, Mr. Coffee là thương hiệu của Jarden Consumer Solutions, công ty đang sỡ hữu các thương hiệu nổi tiếng khác như Sunbeam, Oster và Crock-Pot.
Những năm sau đó, Marotta tập trung vào bất động sản và làm từ thiện. Người bạn đối tác của ông năm xưa, Glazer, cũng mới mất vào năm 2012.
Ngoài Susan Parente, cô con gái luôn có mặt trong những giây phút cuối cùng của ông, ông còn có hai con gái khác, Mary Marotta, Jane Marotta, ba con trai, Charles, Timothy Sr., Vincent Jr. và 11 đứa cháu.
Trong suốt cuộc đời đầy nhiệt huyết của mình, có một điều mà Marotta đã không thể thay đổi được – mặc dù là tên tuổi gắn liền với sự thành công của chiếc máy Mr Coffee suốt hơn một thập kỉ nhưng Joe DiMaggio hiếm khi nào uống cà phê vì ông bị loét bao tử kinh niên, và khi nào muốn “nuông chiều” bản thân một chút thì ông cũng chỉ dùng một ly Sanka (một loại cà phê uống liền không có chất caffeine).
Để lại bình luận